Vang mãi thiên hùng ca trên biển

Bài 2: Những chuyến tàu mang khát vọng giải phóng quê hương

13:47 18-10-2021

VBĐVN.vn - Chuyến vượt biển đầu tiên đưa vũ khí vào Khu 5 của “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” không thành. Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cho tàu ra miền Bắc thăm dò, báo cáo tình hình, nếu có điều kiện thì chở vũ khí về. Chỉ thị của Trung ương phù hợp với lòng mong mỏi của các địa phương. Do đó, trong một thời gian ngắn, các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút chuẩn bị các đội tàu, mua sắm tàu, lưới và chuẩn bị lực lượng lên đường.

Vượt biển ra Bắc chở vũ khí

Năm 2011, tôi có dịp trở lại thăm Bến Tre để sưu tầm tài liệu tuyên truyền dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Chuyến đi này tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Đức-một trong những người đi trên con tàu đầu tiên của tỉnh Bến Tre vượt biển ra Bắc chở vũ khí. Ngày đó, nhận được chỉ thị từ Trung ương, Bến Tre đã chuẩn bị được hai đội tàu, ông Đức đi đội tàu thứ nhất vào đầu tháng 6-1961. Sau 9 ngày hành trình gian nan, chịu đói, chịu khát thì con tàu đầu tiên của Bến Tre cũng ra tới miền Bắc. Nơi hai con tàu của tỉnh Bến Tre xuất phát nay là xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre).

Cựu chiến binh của Đoàn tàu Không số về thăm lại bến Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre)
Cựu chiến binh của Đoàn tàu Không số về thăm lại bến Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre)

Cựu chiến binh của Đoàn tàu Không số về thăm lại bến Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre)

Cuộc đời con người có những thời điểm để lại dấu ấn không phai mờ. Chuyện vượt biển ra Bắc năm 1961 của ông Nguyễn Văn Đức và đồng đội là một dấu ấn như vậy. Trở lại bến sông năm xưa, viếng hương hồn bạn, ký ức một thời lại trào dâng trong ông. Từ chuyến vượt biển ra Bắc của ông Nguyễn Văn Đức và đồng đội giữa năm 1961, để rồi sau này nơi đây (bến Thạnh Phong) đã có 23 lượt tàu của Đoàn tàu không số vượt biển chở hàng nghìn tấn vũ khí vào cho quê hương Đồng Khởi. Trên con tàu của Bến Tre vượt biển ra Bắc thuở ấy, một số anh em đã không còn. Ông Nguyễn Văn Kiệm, ông Lê Văn Nhung, ông Đặng Văn Bê đã qua đời. Những tấm gương quả cảm của các chiến sĩ lịch sử mãi ghi nhớ, đồng đội mãi không quên.

Cũng thời gian này, phong trào cách mạng của nhân dân Trà Vinh phát triển mạnh, trong một thời gian ngắn, Tỉnh ủy đã lập được đội tàu và chọn 6 đồng chí vượt biển ra Bắc là: Trần Văn Mao, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Trăm, Nguyễn Thanh Lồng, Hồ Văn In và Ngô Văn Tôi. Nhằm giữ bí mật và nêu cao quyết tâm, Tỉnh ủy Trà Vinh đề nghị đổi tên các thành viên theo thứ tự trên thành khẩu hiệu “Đoàn-Kết-Đấu-Tranh-Thắng-Lợi”. Ngày 3-8-1960, tại một vị trí ở cửa lạch Khâu Hút (nay thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), 6 chiến sĩ cho tàu xuất phát. Chuyến đi gặp bão, 6 anh em vật lộn với sóng gió, đối mặt với nguy cơ đắm tàu, cận kề với cái chết. Thế nhưng trong lằn ranh sinh tử ấy, ý chí quyết tâm phải tới được miền Bắc, phải nhận được vũ khí về cho quê hương đánh giặc đã giúp các anh đưa tàu xuyên qua tâm bão, nhưng bị dạt lên tận vùng biển Ma Cao (Trung Quốc). Ngày 16-8, đại diện người của ta tại Quảng Châu đến đón và đưa về Hà Nội.

6 thành viên của tàu Trà Vinh ra đi thuở ấy nay không còn ai. Cách đây vài năm, tôi có dịp về làm việc ở huyện Duyên Hải. Bày tỏ nguyện vọng muốn đến thăm lạch Khâu Hút-nơi con tàu của Trà Vinh xuất phát ra Bắc và thăm gia đình anh hùng Hồ Đức Thắng (tức Hồ Văn In), các anh ở Ban CHQS huyện Duyên Hải đã nhiệt tình đưa tôi đến tận nơi. Theo Đại tá Lê Thanh Trà, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Duyên Hải, sau chuyến vượt biển ra Bắc của đội tàu Trà Vinh, từ năm 1963 đến 1966, tại các điểm bến ở Trà Vinh gồm: Phước Thiện, Rạch Cỏ, Khâu Lâu, La Ghi, Láng Nước, Cồn Tàu đã tiếp nhận 16 chuyến tàu với hơn 680 tấn vũ khí, kịp thời chi viện cho quân, dân Trà Vinh và các chiến trường trên địa bàn đánh giặc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắp nén hương lên mộ phần người anh hùng của biển Hồ Đức Thắng tại khuôn viên của gia đình, chúng tôi thành kính chúc ông yên nghỉ. Chiến công của ông cùng các đồng đội trên con đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển góp phần giải phóng dân tộc, thế hệ hôm nay xin ghi nhớ, dân tộc Việt Nam và lịch sử đất nước mãi khắc ghi.

Nhận được chỉ thị của Trung ương, tỉnh Bạc Liêu chuẩn bị hai đội tàu để vượt biển ra Bắc. Đội thứ nhất do ông Bông Văn Dĩa phụ trách, đội viên gồm các đồng chí: Tư Phước, Ngô Văn Tần, Nguyễn Dũng, Bảy Cửa, Trần Văn Đán, Võ Tấn Thành và Tư Quang. Đêm 1-8-1961, tàu rời rạch Cá Mòi (mũi Cà Mau), chuyến đi khá thuận lợi nên đến chiều 7-8-1961 đã cập vào cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình), ngày 11-8, anh em trong đoàn được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới thăm, hôm sau đoàn về đến Hà Nội.

Cựu chiến binh của Đoàn tàu không số đến thăm nhà và phần mộ của anh hùng Bông Văn Dĩa ở ấp Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau)

Chúng tôi không có cơ hội được gặp anh hùng Bông Văn Dĩa vì ông qua đời tháng 5-1982, nhưng hôm ấy, theo chân những đồng đội của ông, tôi đã đặt chân đến mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Đời hoạt động cách mạng của ông được tái hiện phần nào qua những dấu mốc như: Được thầy giáo Phan Ngọc Hiển-một chiến sĩ cách mạng giác ngộ từ năm 1931; đầu năm 1940, ông được thầy Phan Ngọc Hiển giới thiệu kết nạp vào Đảng; thời Nam Kỳ khởi nghĩa, ông cùng thầy giáo Phan Ngọc Hiển tham gia trận đánh giành chính quyền ở đảo Hòn Khoai. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông Bông Văn Dĩa cùng 26 đồng chí nữa bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông về lại Rạch Gốc hoạt động và đến năm 1961, ông nhận nhiệm vụ chỉ huy tàu vượt biển ra Bắc chở vũ khí và trở thành chỉ huy của những con tàu không số...

Tàu Bà Rịa và tấm lòng má Mười Vinh

Trong 6 người trên tàu của tỉnh Bà Rịa vượt biển ra Bắc thời kỳ 1961-1962, nay chỉ còn lại các ông: Lê Hà, Nguyễn Sơn, Thôi Văn Nam. Các ông Nguyễn An Ninh, Trần Văn Hòa và Nguyễn Văn Nhung đã qua đời. Tuy những bến, bãi dọc sông Ray ở cửa biển Lộc An, thuộc xã Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) nay đã biến đổi do thời gian, nhưng với những người đã từ đây vượt biển ra Bắc thì những kỷ niệm xưa ấy đã thấm đậm như trở thành máu thịt. Họ nhớ từng ụ đất, từng gốc cây và nhớ từng sự việc. Ở trên tàu, các ông đóng vai những ngư dân chài lưới để qua mắt địch, sau này trở về, ông Lê Hà và nhiều cựu binh tàu không số tiếp tục mưu sinh bằng nghề đi biển. Nhớ lại chuyến tàu Bà Rịa vượt biển đầu tiên, ông Nguyễn Sơn cho biết: "Đầu năm 1961, 6 anh em chúng tôi được đơn vị cử theo tàu vượt biển ra miền Bắc gặp Trung ương để xin vũ khí về cho miền Nam chiến đấu. Trong lúc đơn vị chuẩn bị tàu thì tiền không có nên má Mười Vinh (má của anh Lê Hà) đã bỏ ra 10 lượng vàng để tổ chức mua tàu, sắm máy. Sau khi chuẩn bị xong thì chúng tôi lên đường. Chuyến đi rất gian nan, bị địch bắt rồi thả, rồi đói khát dạt sang tận đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng cuối cùng cũng đến được miền Bắc, đã hoàn thành được nhiệm vụ trên giao".

Trên hành trình tìm hiểu về Đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi đã gặp không ít những người bình thường. Họ không là anh hùng, không cấp bậc, địa vị, không chức tước và họ cũng không có tên ở bất cứ cuốn sử sách nào. Họ xuất hiện tự nhiên như cây cỏ, hoa lá bởi đơn giản họ là nhân dân. Nhưng họ đã góp công, góp của làm nên kỳ tích của con đường huyền thoại và chính họ cũng là huyền thoại. Một trong những huyền thoại đó là gia đình má Mười Vinh (còn gọi là má Mười Riều) ở làng chài cửa sông Ray, nay là xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.

Cựu chiến binh Đoàn tàu không số đến thăm má Mười Vinh trong chuyến hành quân về thăm lại chiến trường xưa, tháng 3-2008

Tháng 3-2008, tôi có may mắn được tham gia chuyến về thăm lại chiến trường xưa của các cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển, chuyến đi dài hơn một tháng từ Hải Phòng đến tận đất mũi Cà Mau. Trong chuyến đi này, tôi may mắn được gặp nhiều nhân chứng, trong đó có má Mười Riều. Ngày đó má còn khỏe và minh mẫn, khi tôi hỏi má về chuyện sắm tàu ra Bắc, má bảo: “Đi thì phải mua ghe, mua ghe rồi thì tiền nong không có. Các ông ở trên nhờ tôi lo đỡ, tôi có một thằng con cống hiến cho Nhà nước để đi ra miền Bắc. Tôi có 10 cây vàng và một ít tiền để mua chiếc ghe cho tổ chức đưa ra miền Bắc để chở vũ khí về miền Nam...”.

Chuyện má Mười Vinh, có lần tôi đã được đọc hồi ký của ông Dương Quang Đông, nguyên cán bộ Trung ương Cục miền Nam, cuốn sách do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hành năm 1990, trong đó có đoạn: “Đầu năm 1961, tôi được cử về Bà Rịa sắm tàu ra Bắc nhận vũ khí nhưng Trung ương Cục chỉ chi có 100 nghìn đồng vì rất khó khăn. Qua cơ sở của ta giới thiệu, tôi về cửa sông Ray gặp má Mười Vinh kể hết sự tình. Nghe xong, má không đắn đo bỏ ra hơn chục cây vàng và vay mượn thêm 20 lượng nữa để ủng hộ cách mạng mua sắm tàu. Người con trai của má cũng ra đi từ chiếc tàu gỗ năm ấy. Không phụ công của má, Lê Hà cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc...”.

Đến thăm má Mười, có người hỏi vui: “Má ơi, số vàng đóng tàu ngày ấy đã ai trả cho má chưa?”. Má cười, lắc đầu và bảo: “Vậy xương máu, tính mạng anh em mình thì ai trả? Làm cách mạng thì kể chi hơn thiệt?". Vâng. Thưa má, làm cách mạng kể chi thiệt hơn! Một người mẹ đã góp sức khơi mở con đường chiến lược có một không hai trong lịch sử mà dung dị quá! Trong căn nhà đơn sơ nơi cửa biển, má lẫn vào giữa đời thường, thanh thản, bình dị như bao người. Thật tiếc, năm nay kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta không còn được gặp má nữa, má Mười Vinh đã qua đời hồi đầu năm 2020.

Đoàn cựu chiến binh tàu không số về thăm bia tưởng niệm tại bến Lộc An (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Từ nhà má Mười Vinh, chúng tôi ra bến Lộc An, nơi đây có tấm bia di tích lịch sử về những con tàu không số của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ con tàu đầy dông gió đầu tiên xuất phát ở sông Gianh tháng 1-1960, đến 5 con tàu gỗ vượt biển ra Bắc của các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre và con tàu của tỉnh Bà Rịa mua bằng vàng của má Mười Vinh năm 1961, sau đó đã có một con đường huyền thoại ra đời-Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường đã viết nên thiên hùng ca bất tử của người Việt Nam trên Biển Đông.

Bài và ảnh: MAI CHU ANH

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang